Chuyên mục:

ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ SƠ TUYỂN GÓI THẦU HỖN HỢP

(trường hợp đấu thầu trực tiếp theo Luật Đấu thầu)

Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển phải hoàn thành trong thời gian ≤ 20 ngày đối với đấu thầu trong nước và ≤ 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đóng thầu (theo Luật Đấu thầu điều 12 khoản 1 điểm g)

Trình tự thực hiện như sau:

1. Thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu

- Nếu chủ đầu tư/bên mời thầu trực tiếp đánh giá thì chủ đầu tư/bên mời thầu thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu, nếu thuê đơn vị tư vấn đánh giá thì đơn vị tư vấn thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu (xem Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu)

- Thành phần Tổ chuyên gia và yêu cầu đối với thành viên Tổ chuyên gia theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 116 như sau:

+ Thành phần Tổ chuyên gia gồm: chuyên gia về lĩnh vực kỹ thuật; chuyên gia về lĩnh vực tài chính, thương mại; chuyên gia về lĩnh vực hành chính, pháp lý; chuyên gia về lĩnh vực khác (nếu có)

+ Thành viên Tổ chuyên gia phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Nếu là cá nhân thuộc đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc thuộc Ban QLDA chuyên ngành/khu vực thì phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu (theo Công văn số 2683/BKHĐT-QLĐT mục 1); các trường hợp khác không cần có chứng chỉ hành nghề đấu thầu nhưng phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu (theo Công văn số 2683/BKHĐT-QLĐT mục 2)

+ Thời gian công tác ≥ 3 năm

2. Lập Bản cam kết của thành viên Tổ chuyên gia

- Từng thành viên tổ chuyên gia lập Bản cam kết trước khi tiến hành đánh giá (theo Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT điều 6 khoản 1)

- Nếu thấy cần thiết thì Tổ trưởng Tổ chuyên gia ban hành quy chế làm việc của Tổ chuyên gia (theo Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT điều 6 khoản 2)

3. Thực hiện đánh giá

Tổ chuyên gia thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1. Kiểm tra hồ sơ dự sơ tuyển

- Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ: xem đủ hay thiếu

- Kiểm tra thành phần hồ sơ:

+ Đơn dự sơ tuyển: có hay không

+ Thỏa thuận liên danh (đối với nhà thầu là liên danh): có hay không

+ Giấy ủy quyền ký Đơn dự sơ tuyển (trường hợp ủy quyền): có hay không 

+ Các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ: có hay không

+ Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm: có hay không

+ Các thành phần khác theo yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển: có hay không

- Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp hồ sơ: thống nhất hay không thống nhất (nếu có nội dung không thống nhất thì nêu cụ thể nội dung nào)

- Trong quá trình kiểm tra, nếu nhà thầu gửi Văn bản bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu thì bên mời thầu tiếp nhận và chuyển cho Tổ chuyên gia để xem xét

- Nếu Tổ chuyên gia phát hiện tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu bị thiếu hoặc chưa rõ thì:

+ Tổ chuyên gia báo cáo để bên mời thầu gửi Văn bản yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu

+ Sau khi nhận được văn bản của bên mời thầu, nhà thầu xem xét và gửi bên mời thầu Văn bản bổ sung, làm rõ kèm theo tài liệu đến bên mời thầu

+ Bên mời thầu và nhà thầu cùng xác nhận các nội dung làm rõ và ký Văn bản làm rõ hồ sơ dự sơ tuyển

Bước 2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự sơ tuyển

- Hồ sơ dự sơ tuyển của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ nếu đáp ứng tất cả các nội dung bao gồm:

+ Có bản gốc

+ Có Đơn dự sơ tuyển được ký bởi người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu ủy quyền thì phải kèm theo giấy ủy quyền hợp pháp); đối với nhà thầu liên danh thì Đơn dự sơ tuyển phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật của từng thành viên liên danh (nếu thành viên đứng đầu ký đại diện cho liên danh thì phải kèm theo thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên)

+ Không có tên trong 2 hoặc nhiều hồ sơ với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh)

+ Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu (nếu cần kiểm tra thì xem trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia)

+ Bảo đảm tư cách hợp lệ theo Luật Đấu thầu điều 5 khoản 1

- Hồ sơ dự sơ tuyển của nhà thầu không đáp ứng 1 trong các nội dung nêu trên được đánh giá là không hợp lệ và bị loại không được xem xét đánh giá tiếp  

Bước 3. Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và nhân sự

- Chỉ thực hiện đối với các hồ sơ đã được đánh giá là hợp lệ

- Căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời sơ tuyển và sử dụng phương pháp ĐẠT/KHÔNG ĐẠT để đánh giá      

- Sau khi đánh giá:

+ Hồ sơ có 1 trong các nội dung bị đánh giá KHÔNG ĐẠT là hồ sơ được kết luận KHÔNG ĐẠT và bị loại

+ Hồ sơ có tất cả các nội dung được đánh giá ĐẠT là hồ sơ được kết luận ĐẠT và được đưa vào danh sách ngắn

Bước 4. Báo cáo kết quả đánh giá

- Lập Báo cáo kết quả đánh giá gồm các nội dung:

+ Danh sách nhà thầu được xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu

+ Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại (lý do bị loại)

+ Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu (trường hợp chưa bảo đảm thì nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý)

+ Những nội dung của hồ sơ mời sơ tuyển chưa phù hợp với quy định, đề xuất biện pháp xử lý

- Gửi Báo cáo kết quả đánh giá cho bên mời thầu

4. Giải quyết kiến nghị của nhà thầu (nếu có)

Trường hợp nhà thầu có kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì trình tự thực hiện theo Luật Đấu thầu điều 92 khoản 1 như sau:

- Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư

- Khi nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, chủ đầu tư xem xét xử lý trong vòng 07 ngày làm việc như sau:

+ Kiểm tra các điều kiện giải quyết kiến nghị theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 118, gồm:

* Đơn kiến nghị phải là của nhà thầu tham dự thầu

* Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu

* Nội dung kiến nghị chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án

+ Căn cứ kết quả kiểm tra để thực hiện như sau:

* Nếu không đáp ứng 1 trong các điều kiện giải quyết kiến nghị thì gửi nhà thầu Văn bản thông báo không xem xét giải quyết (theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 120 khoản 2)

* Nếu đáp ứng tất cả các điều kiện giải quyết kiến nghị thì có Văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu

ü  Trường hợp kiến nghị của nhà thầu đúng thì văn bản gửi nhà thầu cần nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian khắc phục hậu quả (nếu có)

ü  Trường hợp kiến nghị của nhà thầu không đúng thì văn bản gửi nhà thầu cần giải thích rõ lý do

- Nếu không nhận được văn bản trả lời của chủ đầu tư hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư thì nhà thầu thực hiện như sau:

+ Gửi văn bản kiến nghị đến người quyết định đầu tư

+ Thời hạn gửi văn bản là trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của chủ đầu tư (hoặc kể từ ngày hết hạn mà chủ đầu tư không trả lời)

- Sau khi nhận được văn bản của nhà thầu, trong vòng 05 ngày làm việc, người quyết định đầu tư có Văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu

5. Xử lý các tình huống trong quá trình đánh giá

Chủ đầu tư quyết định xử lý các tình huống trong quá trình đánh giá (theo Luật Đấu thầu điều 86 khoản 2 điểm a) như sau:

- Trường hợp không có hồ sơ đáp ứng yêu cầu thì xử lý theo Luật Đấu thầu điều 17 khoản 1 như sau:

+ Chủ đầu tư ban hành Quyết định hủy thầu (theo Luật Đấu thầu điều 74 khoản 10)

+ Bên mời thầu đăng tải quyết định hủy thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cách thức đăng tải theo Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT điều 15

- Trường hợp có < 03 nhà thầu đáp ứng yêu cầu thì chọn 1 trong 2 phương án xử lý theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 117 khoản 3 như sau:

+ Phương án 1: Tiến hành lựa chọn bổ sung nhà thầu vào danh sách ngắn

+ Phương án 2: Cho phép phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu trong danh sách ngắn

- Trường hợp nhà thầu đang tham dự thầu nhưng bị sáp nhập hoặc chia tách thì xử lý theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 117 khoản 12 như sau:

+ Chủ đầu tư có văn bản cho phép nhà thầu đã bị sáp nhập hoặc chia tách đó tiếp tục tham gia đấu thầu

+ Nhà thầu đã bị sáp nhập hoặc chia tách được tiếp tục tham gia đấu thầu

- Các tình huống khác thì xử lý theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 117 khoản 15

----------------------------------------

Xem thêm: Quy trình lựa chọn danh sách ngắn gói thầu hỗn hợp

-1