Chuyên mục:

HƯỚNG DẪN LẬP KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU CỦA DỰ ÁN LẬP BÁO CÁO KINH TẾ KỸ THUẬT

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án được lập sau khi phê duyệt dự án

Chủ đầu tư căn cứ các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán công trình đã phê duyệt để tổ chức lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo trình tự như sau:

 Bước 1. Phân loại các gói thầu

a.   Xây lắp:

Các gói thầu xây lắp xác định theo Luật Đấu thầu điều 4 khoản 45 và Luật Xây dựng điều 3 khoản 38 gồm:

1)   Xây dựng công trình, hạng mục công trình

2)   Lắp đặt thiết bị

3)   Sửa chữa, cải tạo công trình, hạng mục công trình

4)   Di dời công trình

5)   Tu bổ, phục hồi công trình, hạng mục công trình

6)   Phá dỡ công trình

7)   Bảo hành, bảo trì công trình

b.   Mua sắm:

Các gói thầu mua sắm xác định theo Luật Đấu thầu điều 4 khoản 25 gồm:

1)   Mua sắm máy móc, thiết bị, phụ tùng

2)   Mua sắm nguyên liệu, nhiên liệu

3)   Mua sắm vật liệu, vật tư

c.    Tư vấn:

Các gói thầu tư vấn xác định theo Luật Đấu thầu điều 4 khoản 8 và Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 31 khoản 1 gồm:

1)   Tư vấn quản lý dự án (nếu áp dụng hình thức thuê tư vấn QLDA)

2)   Tư vấn thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có)

3)   Tư vấn giám sát thi công xây dựng

4)   Tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị

5)   Tư vấn thẩm tra an toàn giao thông (nếu có)

6)   Tư vấn thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

7)   Tư vấn kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có)

8)   Tư vấn kiểm định chất lượng công trình (nếu có)

9)   Tư vấn giám sát, đánh giá dự án đầu tư (nếu dự kiến thuê tư vấn)

10)    Tư vấn quan trắc và giám sát môi trường (nếu có)

11)    Tư vấn điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ (nếu có)

12)    Tư vấn quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án sử dụng vốn nhà nước có thời gian thi công xây dựng > 2 năm)

13)    Tư vấn đấu thầu (nếu dự kiến thuê tư vấn)

d.   Phi tư vấn:

Các gói thầu phi tư vấn xác định theo  Thông tư 14/2016/TT-BKHĐT điều 3 khoản 1 và Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 5 khoản 2 điểm e gồm:

1)   Rà phá bom mìn, vật nổ (nếu có)

2)   Di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường (nếu có)

3)   Đảm bảo an toàn giao thông (nếu có)

4)   Hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng (nếu có)

5)   Thuê kho bãi chứa vật liệu (nếu có)

6)   Xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, lắp đặt, tháo dỡ một số loại máy (nếu có)

7)   Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng

8)   Đăng kiểm chất lượng quốc tế (nếu có)

9)   Quan trắc biến dạng công trình (nếu có)

10)    Kiểm toán báo cáo quyết toán 

11)    Nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng, sử dụng vật liệu mới liên quan đến dự án (nếu có)

12)    Logistics, quảng cáo, truyền thông (nếu có)

13)    Tổ chức đào tạo, nghiệm thu chạy thử (nếu có)

14)    Đo vẽ bản đồ, in ấn (nếu có)

15)    Vệ sinh (nếu có)

16)    Trồng và quản lý chăm sóc cây xanh (nếu có)

17)    Cấp, thoát nước (nếu có)

18)    Cấp điện, chiếu sáng (nếu có)

19)    Thu gom, phân loại, xử lý chất thải, nước thải (nếu có) 

20)    Chụp ảnh, đóng gói (nếu có) 

e.   Hỗn hợp:

Gói thầu hỗn hợp xác định theo Luật Đấu thầu điều 4 khoản 23 gồm:

1)   Mua sắm và xây lắp (nếu áp dụng)

Bước 2. Xác định giá gói thầu và nguồn vốn: theo tổng mức đầu tư, dự toán công trình được duyệt

Bước 3. Xác định hình thức lựa chọn nhà thầu:

Xác định theo thứ tự ưu tiên như sau:

a.   Hình thức tự thực hiện

Trường hợp chủ đầu tư có chức năng kinh doanh (theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 61 khoản 1) thì xem xét từng gói thầu và áp dụng hình thức tự thực hiện nếu đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có)

b.   Hình thức chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với gói thầu tư vấn hoặc phi tư vấn ≤ 500 triệu đồng và các gói thầu khác ≤ 1 tỷ đồng

c.    Hình thức chỉ định thầu thông thường áp dụng đối với các gói thầu có giá trị > 500 triệu đồng sau đây:

1)   Gói thầu tư vấn điều tra khảo sát bom nìn vật nổ

2)   Gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ

3)   Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm hoặc có yêu cầu bản quyền

d.   Hình thức mua sắm trực tiếp áp dụng đối với gói thầu mua sắm có đủ điều kiện theo Luật Đấu thầu điều 24

e.   Hình thức đấu thầu hạn chế áp dụng đối với gói thầu có đủ điều kiện theo Luật Đấu thầu điều 21

f.     Hình thức đấu thầu rộng rãi trực tiếp áp dụng đối với gói thầu tư vấn > 10 tỷ đồng và gói thầu quy mô lớn

g.   Hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng áp dụng đối với gói thầu tư vấn ≤ 10 tỷ đồng và gói thầu quy mô nhỏ

Bước 4. Xác định phương thức lựa chọn nhà thầu:

- Đối với hình thức tự thực hiện và chỉ định thầu rút gọn: không cần xác định

- Đối với hình thức chỉ định thầu thông thường, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp: 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ

- Đối với hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc hạn chế:

+ Đối với gói thầu quy mô nhỏ: 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ

+ Đối với gói thầu tư vấn và gói thầu quy mô lớn: 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ

+ Đối với gói thầu quy mô lớn phức tạp (trừ gói thầu tư vấn): 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ

+ Đối với gói thầu có kỹ thuật, công nghệ mới phức tạp, đặc thù (trừ gói thầu tư vấn): 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ

Bước 5. Xác định thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: ghi tháng/năm hoặc quý/năm dự kiến (phù hợp theo trình tự thực hiện)

Bước 6. Xác định loại hợp đồng: theo hướng dẫn tại Thông tư 10/2015/TT- BKHĐT điều 5 khoản 7

Bước 7. Xác định thời gian thực hiện hợp đồng: tùy thuộc yêu cầu tiến độ

-1