Chuyên mục:

ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VÀ THƯƠNG THẢO HỢP ĐỒNG TƯ VẤN

(theo Luật Đấu thầu)

Nội dung thực hiện theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP điều 55 khoản 3

Việc đánh giá hồ sơ phải hoàn thành trong thời gian ≤ 30 ngày đối với đấu thầu trong nước và ≤ 40 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đóng thầu (theo Luật Đấu thầu điều 12 khoản 1 điểm g)

Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu thực hiện gói thầu

1. Đánh giá hồ sơ đề xuất

Bước 1. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất

- Tổ chuyên gia kiểm tra các nội dung gồm:

+ Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ: đủ hay thiếu

+ Kiểm tra thành phần hồ sơ:

* Đơn đề xuất chỉ định thầu: có hay không có

* Thỏa thuận liên danh (đối với nhà thầu là liên danh): có hay không có

* Giấy ủy quyền ký đơn đề xuất chỉ định thầu (trường hợp ủy quyền ký đơn dự thầu): có hay không có

* Các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ: có hay không có

* Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm: có hay không có

* Đề xuất về kỹ thuật: có hay không có

* Các thành phần khác thuộc hồ sơ (theo yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu): có hay không có

+ Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp hồ sơ: thống nhất hay không thống nhất (nếu có nội dung không thống nhất thì nêu rõ nội dung nào)

- Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ của nhà thầu là hợp lệ nếu đáp ứng tất cả các nội dung bao gồm:

+ Có bản gốc

+ Có đơn đề xuất chỉ định thầu được ký bởi người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu ủy quyền thì phải kèm theo giấy ủy quyền hợp pháp); đối với nhà thầu liên danh thì đơn dự thầu phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật của từng thành viên liên danh (nếu thành viên đứng đầu ký đại diện cho liên danh thì phải kèm theo thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên)

+ Bảo đảm tư cách hợp lệ theo Luật Đấu thầu điều 5 khoản 1

+ Có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với gói thầu tư vấn xây dựng thì phải đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động xây dựng)

Bước 2. Đánh giá về kỹ thuật

Tổ chuyên gia thực hiện theo nguyên tắc và trình tự như sau:

- Căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ yêu cầu và sử dụng tiêu chí ĐẠT/KHÔNG ĐẠT để đánh giá

- Đánh giá lần lượt các nội dung theo tiêu chuẩn đánh giá gồm:

+ Tiêu chuẩn về kinh nghiệm và năng lực

+ Tiêu chuẩn về giải pháp và phương pháp luận

+ Tiêu chuẩn về nhân sự   

Bước 3. Đánh giá về tài chính

Tổ chuyên gia thực hiện theo trình tự như sau:

- Xác định giá đề xuất chỉ định thầu: là giá ghi trong đơn đề xuất chỉ định thầu (không trừ đi giá trị giảm giá, nếu có)

- Sửa lỗi:

+ Đối với lỗi số học:

* Trường hợp cộng, trừ, nhân, chia không chính xác thì lấy số liệu trong bảng phân tích đơn giá chi tiết để sửa lỗi số học

* Trường hợp không nhất quán giữa cột đơn giá và cột thành tiền thì lấy ĐƠN GIÁ để sửa lỗi

* Nếu ĐƠN GIÁ có sự sai khác bất thường do lỗi hệ thập phân (10 lần, 100 lần, 1.000 lần) thì lấy THÀNH TIỀN để sửa lỗi

+ Đối với các lỗi khác:

* Nếu cột đơn giá không có đơn giá thi ĐƠN GIÁ được xác định bằng cách chia THÀNH TIỀN cho SỐ LƯỢNG

* Nếu cột thành tiền không có THÀNH TIỀN thì THÀNH TIỀN được xác định bằng cách nhân SỐ LƯỢNG với ĐƠN GIÁ

* Nếu cột số lượng không có SỐ LƯỢNG thì SỐ LƯỢNG được xác định bằng cách chia THÀNH TIỀN cho ĐƠN GIÁ (sau khi xác định, nếu khác với số lượng nêu trong hồ sơ yêu cầu thì đó là sai lệch về phạm vi cung cấp và tiến hành hiệu chỉnh sai lệch)

* Nếu nhầm đơn vị tính thì sửa lại cho phù hợp với yêu cầu của hồ sơ yêu cầu

* Nếu có sai khác so với nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật thì nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật sẽ là cơ sở để sửa lỗi

- Hiệu chỉnh sai lệch:

+ Trường hợp có sai lệch về phạm vi cung cấp thì: giá trị phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, giá trị phần chào thừa sẽ được trừ đi (theo đơn giá tương ứng trong hồ sơ đề xuất)

* Nếu trong hồ sơ đề xuất có sai lệch mà không có đơn giá tương ứng thì lấy đơn giá trong dự toán gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch

* Nếu không có đơn giá trong dự toán gói thầu thì: căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch

+ Trường hợp chào thiếu thuế, phí, lệ phí thì: cộng các chi phí đó vào giá đề xuất chỉ định thầu

+ Trường hợp có thư giảm giá thì: việc hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện trên cơ sở giá đề xuất chỉ định thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá; tỷ lệ phần trăm (%) của sai lệch thiếu được xác định trên cơ sở so với giá ghi trong đơn đề xuất chỉ định thầu

- Xác định giá đề xuất chỉ định thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có)

- Chuyển đổi giá đề xuất chỉ định thầu sang một đồng tiền chung (nếu có): căn cứ tỷ giá quy đổi quy định trong hồ sơ yêu cầu để thực hiện

- Xác định giá đề nghị chỉ định thầu: là giá đề xuất chỉ định thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và chuyển đổi sang một đồng tiền chung (nếu có)

Bước 4. Báo cáo kết quả đánh giá

Tổ chuyên gia lập Báo cáo kết quả đánh giá và gửi bên mời thầu 

2. Thương thảo hợp đồng

- Việc thương thảo hợp đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu được thực hiện song song trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất (mẫu Biên bản thương thảo hợp đồng)

- Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện bao gồm:

+ Có hồ sơ đề xuất hợp lệ

+ Có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu

+ Có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán gói thầu được duyệt

-1