Chuyên mục:

CÔNG VIỆC THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Giai đoạn chủ trương đầu tư xây dựng dự án đầu tư công bao gồm các công việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các công việc cần thiết khác liên quan, cụ thể như sau:

1)   Nếu dự án có sử dụng vốn ODA (từ vốn ODA viện trợ không hoàn lại) hoặc vốn vay ưu đãi nước ngoài thì phải trình Thủ tướng phê duyệt Đề xuất dự án trước khi thực hiện thủ tục lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư (theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP điều 13)

2)   Căn cứ kế hoạch đầu tư công và Đề xuất dự án được duyệt (nếu có), cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho đơn vị trực thuộc như sau:

- Đối với dự án nhóm A trở lên: giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

- Đối với dự án nhóm B và C: giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

3)   Sau khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đơn vị chuẩn bị đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở bố trí vốn chuẩn bị đầu tư theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 10 như sau:

- Đối với dự án quan trọng quốc gia thì trình cơ quan chủ quản thẩm định và phê duyệt

- Đối với dự án nhóm A trở xuống thì đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt

4)   Sau khi dự toán chuẩn bị đầu tư được duyệt, đơn vị chuẩn bị đầu tư tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn:

- Công việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là công việc tư vấn đầu tư xây dựng (theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 31 khoản 1), phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo pháp luật về đấu thầu

- Đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu điều 36 khoản 1 điểm b và đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT điều 8 khoản 1

5)   Trước khi lựa chọn nhà thầu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị chuẩn bị đầu tư phải tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán gói thầu tư vấn (theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 16 khoản 1):

- Lập dự toán gói thầu theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 17 

- Thẩm định và phê duyệt dự toán gói thầu theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 18 như sau:

+ Nếu dự kiến lựa chọn nhà thầu trong nước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thì đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt

+ Nếu dự kiến lựa chọn nhà thầu nước ngoài lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thì đơn vị chuẩn bị đầu tư trình cơ quan chủ quản thẩm định và phê duyệt

6)   Căn cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán gói thầu được duyệt, đơn vị chuẩn bị đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

Lưu ý: trường hợp đơn vị chuẩn bị đầu tư tự lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (áp dụng hình thức tự thực hiện) khi không đủ các thủ tục 3), 4) và 5) là vi phạm quy định hiện hành gồm: Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, chưa xác định nguồn vốn cho gói thầu; Không tuân thủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

7)   Nhà thầu tư vấn hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư (nếu áp dụng hình thức tự thực hiện) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư:

- Nếu dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì nội dung theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP

- Nếu dự án không sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì nội dung theo Nghị định 40/2020/NĐ-CP

8)   Sau khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị chuẩn bị đầu tư lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư:

- Đối với dự án quan trọng quốc gia thì thực hiện theo Nghị định 29/2021/NĐ-CP

- Đối với dự án nhóm A trở xuống:

+ Nếu dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì thực hiện theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP

+ Nếu dự án không sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì thực hiện theo Nghị định 40/2020/NĐ-CP

9)   Các công việc khác

- Để đảm bảo mục tiêu, quy mô đầu tư là phù hợp với quy hoạch xây dựng, đơn vị chuẩn bị đầu tư cần thực hiện thủ tục xin giới thiệu địa điểm xây dựng theo Luật Xây dựng điều 46 trước khi tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

- Đối với dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chủ quản phải tổ chức thẩm định nội bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Thủ tướng

- Đối với dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án nhóm A, việc thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư (theo yêu cầu của cơ quan thẩm định)

- Hợp đồng tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và các hợp đồng tư vấn khác (nếu có) phải được quản lý theo Nghị định 37/2015/NĐ-CP và Thông tư 08/2016/TT-BXD

- Sau khi dự án được quyết định chủ trương đầu tư thì thực hiện thủ tục bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công (theo Luật Đầu tư công điều 52 khoản 2)

-1