Điều 13. Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
1. Trình tự, thủ tục phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án:
a) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật;
b) Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Đề xuất chương trình, dự án. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định tại điểm b khoản này và ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án; đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội; sơ bộ tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn; lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án phù hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
d) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án với các nội dung: Tên chương trình, dự án; tên nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài (nếu có); tên cơ quan chủ quản; mục tiêu, quy mô dự kiến; thời gian thực hiện dự kiến; tổng mức đầu tư dự kiến và cơ cấu nguồn vốn; cơ chế tài chính trong nước dự kiến và các nội dung khác có liên quan.
2. Hồ sơ và thời gian xem xét Đề xuất chương trình, dự án:
a) Hồ sơ: Đề xuất chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này; văn bản của cơ quan chủ quản đề nghị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án; các tài liệu liên quan khác (nếu có);
b) Số lượng hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 08 bộ;
c) Số lượng hồ sơ gửi Bộ Tài chính là 03 bộ;
d) Thời gian xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nhận đủ hồ sơ hợp lệ là không quá 45 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung Đề xuất chương trình, dự án không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản đề nghị cơ quan chủ quản hoàn thiện nội dung Đề xuất chương trình, dự án.
3. Tiêu chí lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ; định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
b) Bảo đảm hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường;
c) Phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng;
d) Không trùng lặp với nội dung chương trình, dự án đã có đề xuất, chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Đối với nhiều dự án sử dụng cùng một khoản vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài: Trường hợp cơ quan chủ quản các dự án thống nhất và ủy quyền bằng văn bản, cơ quan được ủy quyền thực hiện trình tự lập, lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án chung cho khoản vay ODA, vay ưu đãi theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này. Trên cơ sở Đề xuất chương trình, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ quản các dự án thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của từng dự án theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 17, 18 và 19 của Nghị định này.
5. Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư không phải thực hiện theo quy định tại Điều này.