Chuyên mục:

Tải văn bản

Văn bản pháp lý: *Thông tư số 08/2016/TT-BTC*

Điều 8. Tạm ứng vốn

1. Nguyên tắc tạm ứng vốn:

a) Đối với các công việc thực hiện thông qua hợp đồng, bên giao thầu (chủ đầu tư) tạm ứng vốn cho bên nhận thầu (nhà thầu) để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và các nội dung khác để đảm bảo việc thu hồi tạm ứng do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu theo đúng quy định và phải được quy định rõ trong hợp đồng.

b) Việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi hợp đồng có hiệu lực, đồng thời chủ đầu tư đã nhận được bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu (đối với trường hợp phải có bảo lãnh tạm ứng) với giá trị tương đương của khoản tiền tạm ứng. Riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng, nếu có giải phóng mặt bằng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

c) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại điểm a, khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.

d) Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng không vượt mức vốn tạm ứng theo quy định của hợp đồng và mức vốn tạm ứng quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTCngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính; trường hợp kế hoạch vốn bố trí trong năm không đủ mức vốn tạm ứng theo hợp đồng thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong kế hoạch năm sau.

đ) Chủ đầu tư có trách nhiệm cùng với nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý tuân thủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính, quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng theo quy định.

e) Đối với các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng, việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn, chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần đảm bảo không vượt mức vốn tạm ứng tối đa theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính. Trường hợp kế hoạch vốn bố trí trong năm không đủ mức vốn tạm ứng tối đa so với dự toán được duyệt thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong kế hoạch năm sau

(Sửa đổi theo CDPL khoản 3)

2. Hồ sơ tạm ứng vốn:

Để được tạm ứng vốn, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước các tài liệu sau:

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư - phụ lục số 05 kèm theo;

- Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính;

- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu (chủ đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước bản sao có đóng dấu sao y bản chính của chủ đầu tư) đối với các trường hợp phải bảo lãnh tạm ứng theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này.

3. Mức vốn tạm ứng:

a) Mức vốn tạm ứng tối thiểu:

- Đối với hợp đồng tư vấn:

Hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;

Hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng thi công xây dựng:

+ Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

b) Mức vốn tạm ứng tối đa cho các khoản quy định tại điểm a nêu trên không vượt quá 50% giá trị hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng). Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép, đối với trường hợp người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

c) Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

- Mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức vốn tạm ứng tối đa theo yêu cầu không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ vào hồ sơ tài liệu liên quan để chi trả cho người thụ hưởng.

- Trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức phát triển quỹ đất, doanh nghiệp ...) chi trả: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư nêu trên mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận vốn tạm ứng do chủ đầu tư chuyn đến để thực hiện chi trả.

d) Đối với chi phí quản lý dự án

Căn cứ dự toán chi phí quản lý dự án trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng vốn theo đề nghị của chủ đầu tư. Mức tạm ứng vốn không vượt quá dự toán chi phí quản lý dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

đ) Mức vốn tạm ứng cho tất cả các khoản quy định từ điểm a đến điểm d nêu trên không vượt kế hoạch vốn hàng năm đã bố trí cho dự án.

4. Bảo lãnh tạm ứng vốn:

a) Đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng yêu cầu có bảo lãnh tạm ứng:

- Trước khi Kho bạc Nhà nước thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho chủ đầu tư để tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng.

- Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm giá trị của bảo lãnh tạm ứng tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.

- Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

b) Các trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng:

- Các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng. Trường hợp này, để đảm bảo sử dụng vốn tạm ứng an toàn và có hiệu quả, chủ đầu tư tùy theo điều kiện cụ thể được quyền yêu cầu nhà thầu bảo lãnh tạm ứng vốn theo nội dung nêu tại điểm a, khoản 4 Điều này và chịu trách nhiệm về yêu cầu bảo lãnh tạm ứng của mình.

- Các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu;

- Các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trừ trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải xây dựng các công trình).

5. Thu hồi vốn tạm ứng

- Vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng.

(Sửa đổi theo CDPL khoản 4)

- Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: sau khi chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư tập hợp chứng từ, làm thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày chi trả cho người thụ hưởng không chờ đến khi toàn bộ các hộ dân trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nhận tiền mới làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

Riêng chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ vào quyết toán chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

- Đối với chi phí quản lý dự án: Khi có khối lượng công việc hoàn thành theo dự toán, chủ đầu tư lập Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư) gửi Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng. Chủ đầu tư không phải gửi chứng từ chi, hóa đơn mua sắm đến Kho bạc Nhà nước và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán theo dự toán được duyệt.

Trường hợp các Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực quản lý nhiều dự án, định kỳ 6 tháng và hết năm kế hoạch, chủ đầu tư phân bố chi phí quản lý dự án (khi lượng công việc hoàn thành theo dự toán) cho từng dự án gửi Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

6. Kiểm tra, đánh giá thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn

- Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng.

- Trước ngày 05 của tháng đầu tiên quý tiếp theo, các chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, báo cáo nêu rõ số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo và nêu rõ các lý do, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn nêu trên (nếu có), đồng thời đề xuất biện pháp xử lý.

- Hằng quý, trước ngày 15 của tháng đầu quý sau (riêng quý IV trước ngày 10 tháng 02 năm sau), Kho bạc Nhà nước các cấp lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương gửi cơ quan Tài chính đồng cấp, trong báo cáo phân loại rõ số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo và nêu rõ các lý do, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn nêu trên (nếu có), đồng thời đề xuất biện pháp xử lý. Đối với dự án do các Bộ, ngành quản lý, trên cơ sở báo cáo của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính có văn bản gửi các Bộ, ngành để có biện pháp xử lý số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi. Đối với dự án thuộc Ủy ban nhân nhân dân các cấp quản lý, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để có biện pháp xử lý số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi.

- Thời hạn thu hồi tạm ứng:

Đối với các công việc của dự án thực hiện theo hợp đồng: vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc khi phát hiện nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi, Kho bạc Nhà nước có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng.

Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng vốn chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuyển toàn bộ số dư tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng. Sau thời hạn trên, trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư chưa chuyển toàn bộ số tiền dư tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước thì trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước được phép trích từ tài khoản tiền gửi của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư mở tại Kho bạc Nhà nước vào tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước và thông báo cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Sau thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nguyên nhân chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ do diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong, thì số tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang tranh chấp đó được tiếp tục gửi tại tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước; sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất). Trường hợp chủ đầu tư không làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước, thì Kho bạc Nhà nước được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để nộp lại ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.

Đối với các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng khác, vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm tạm ứng mà chủ đầu tư chưa thanh toán để thu hồi tạm ứng, Kho bạc Nhà nước có văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn trả số vốn đã tạm ứng (trừ các trường hợp sau: có văn bản của cấp có thẩm quyền (người phê duyệt dự toán) về việc cho phép kéo dài thời hạn thu hồi tạm ứng để hoàn thành các khối lượng do các nguyên nhân khách quan; tạm ứng chi phí quản lý dự án cho các Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực). Sau thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm phải hoàn trả số vốn đã tạm ứng mà chủ đầu tư chưa thực hiện hoàn trả thì Kho bạc Nhà nước được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để nộp lại ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.

(Sửa đổi theo CDPL khoản 5)

-1