Chuyên mục:

TRONG GIAI ĐOẠN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CÓ CẦN KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU

(Nội dung dưới đây trình bày đối với dự án sử dụng vốn nhà nước và áp dụng Luật đấu thầu)

1. Phân tích

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu là căn cứ pháp lý để tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các loại gói thầu gồm: tư vấn, phí tư vấn, xây lắp, mua sắm, hỗn hợp.

Theo Luật Đấu thầu điều 36 khoản 1 thì Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập tại 2 thời điểm gồm: trước khi quyết định đầu tư và sau khi (hoặc đồng thời với) quyết định đầu tư.

Theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì trừ các công việc không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu (bao gồm cả hình thức tự thực hiện), phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các công việc tùy theo tính chất (tư vấn, phí tư vấn, xây lắp, mua sắm hoặc hỗn hợp).

Trong giai đoạn chủ trương đầu tư, các dự án sau đây chắc chắn có ít nhất 1 trong các công việc tư vấn theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 31 khoản 1, cụ thể như sau:

- Dự án đầu tư công nhóm A trở lên và dự án đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng có các công việc tư vấn gồm:

(1) Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

(2) Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

(3) Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ (nếu dự án thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 54/2021/NĐ-CP điều 3 khoản 1)

(4) Lập hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất các gói thầu tư vấn (nếu cần và thuê tư vấn thực hiện)

- Dự án đầu tư công nhóm B trở xuống có các công việc tư vấn gồm:

(1) Lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

(2) Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ (nếu dự án thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 54/2021/NĐ-CP điều 3 khoản 1)

(3) Lập hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất các gói thầu tư vấn (nếu cần và thuê tư vấn thực hiện)

- Dự án đầu tư kinh doanh không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng có thể có các công việc tư vấn gồm:

(1) Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ (nếu dự án thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 54/2021/NĐ-CP điều 3 khoản 1)

(2) Lập hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất các gói thầu tư vấn (nếu cần và thuê tư vấn thực hiện)

2. Kết luận

Trong giai đoạn chủ trương đầu tư, trừ Dự án đầu tư kinh doanh không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng và không thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 54/2021/NĐ-CP điều 3 khoản 1, các dự án còn lại (trong đó bao gồm toàn bộ các dự án đầu tư công) đều có ít nhất 1 công việc tư vấn.

Khi có công việc tư vấn thì bắt buộc phải có kế hoạch lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở thực hiện (bao gồm cả trường hợp tự thực hiện).

-1